0967.001.001 info@goldlandvietnam.com

Tin tức - 18/04/2022

Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp và người dân tỉnh Thanh Hóa năm 2022.

Sáng ngày 1/4/2022, tại Khách sạn Central, TP Thanh Hóa; UBND tỉnh Thanh Hóa và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp (DN) và người dân tỉnh Thanh Hóa năm 2022.

Tham dự và đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Hồng- Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Đỗ Trọng Hưng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hoá; Đỗ Minh Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đào Minh Tú- Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Nguyễn Văn Thi- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị, sở, ngành liên quan cùng đại diện gần 170 hiệp hội ngành nghề, các DN, HTX, hộ kinh doanh… trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh hội nghị là sự kiện quan trọng, để cấp ủy, chính quyền và ngành Ngân hàng kịp thời nắm bắt nhu cầu của các doanh nghiệp và người dân, nhất là nhu cầu về vốn; từ đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh hoạt động khôi phục, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân Thanh Hóa.

Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp và người dân tỉnh Thanh Hóa năm 2022 là việc làm thiết thực, được tổ chức đúng vào thời điểm, cùng với cả nước, Thanh Hóa đã và đang triển khai thực hiện Chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đạt được những kết quả bước đầu rất có ý nghĩa. Đây là cơ hội tốt để cộng đồng doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ kinh doanh trong tỉnh kết nối với các tổ chức tín dụng để tiếp cận nguồn vốn đầu tư, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, qua đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu khai mạc hội nghị.

Đồng chí cũng gửi lời cảm ơn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại Trung ương, đặc biệt là cá nhân đồng chí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong thời gian qua đã luôn quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho Thanh Hóa và hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ; đặc biệt, với tấm lòng nhân ái, nhân văn cao cả và tinh thần “Tương thân, tương ái”, trong những năm qua, đã ủng hộ, giúp đỡ tỉnh Thanh Hóa làm tốt công tác an sinh xã hội. Đồng thời bày tỏ mong muốn, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ nhiều hơn nữa của các đồng chí, để Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa, hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; cùng với cấp ủy, chính quyền tỉnh làm tốt hơn nữa công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Tiếp đó, Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam do đồng chí Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thông tin đến hội nghị về kết quả hoạt động tín dụng ngân hàng, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thời gian qua và định hướng, nhiệm vụ, giải pháp hoạt động ngân hàng trong thời gian tới.

Đồng chí Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Riêng tại tỉnh Thanh Hóa, NHNN luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện mở rộng mạng lưới các TCTD để phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu về tín dụng và dịch vụ ngân hàng đối với người dân doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, các TCTD trên địa bàn triển khai quyết liệt, kịp thời các giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng; mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thuộc nhóm 5 trụ cột kinh tế của tỉnh.

Nhằm ứng phó kịp thời, linh hoạt với các biến động phức tạp, khó lường của dịch COVID-19, trong hơn 2 năm qua, các TCTD trên địa bàn triển khai đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đến ngày 28/2/2022, các TCTD đã cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 3.118 khách hàng với giá trị nợ được cơ cấu là 4.378 tỷ đồng; miễn, giảm lãi suất cho 288.329 khách hàng với giá trị nợ được miễn, giảm lãi vay là 87.478 tỷ đồng, số tiền lãi đã miễn cho khách hàng là 388 tỷ đồng (mức lãi suất giảm từ 0,5-2,5%/năm); cho vay mới áp dụng lãi suất ưu đãi cho 9.149 khách hàng, với doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến ngày 28/2/2022 là 68.082 tỷ đồng; ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã cho 696 lao động vay vốn với số tiền trên 52 tỷ đồng và giải ngân cho người sử dụng lao động vay trên 5,5 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho người lao động…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi cũng báo cáo khái quát về tình hình kinh tế – xã hội năm 2021 và quý I năm 2022; báo cáo tình hình hoạt động ngân hàng, kết quả hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đồng chí nhấn mạnh: Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng, hỗ trợ tích cực trong việc phát triển kinh tế – xã hội và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng chí đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sớm ban hành Luật về xử lý nợ xấu, nhằm tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ; sửa đổi Nghị định số 67/2014/NĐ-CP theo hướng cho phép ngân hàng được thu giữ tàu trong trường hợp ngư dân không trả được nợ để bàn giao lại tàu cho ngư dân khác đáp ứng các điều kiện theo quy định; ngư dân nhận bàn giao tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và thực hiện các nghĩa vụ với ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm xem xét, chỉ đạo sửa đổi một số thông tư trong lĩnh vực ngân hàng cho phù hợp với tình hình thực tế; chỉ đạo các Hội sở ngân hàng và tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi nhất để các chi nhánh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hoạt động hiệu quả, đáp đứng nhu cầu vay vốn của các tổ chức, cá nhân, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, nhất là đối với các dự án lớn, lĩnh vực ưu tiên đầu tư của tỉnh; đồng thời, khảo sát, mở rộng mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch tại các khu vực miền núi của tỉnh để hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội địa phương, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu kết luận hội nghị.

Tại hội nghị, đa số các đại biểu đều kiến nghị cho phép kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng trên địa bàn tỉnh để tiếp tục phụ hồi sản xuất kinh doanh. Đại diện doanh nghiệp, ông Trịnh Xuân Lâm – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Tiên Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa, cũng cho hay năm 2020-2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp nói chung và ngành dệt may nói riêng liên tục phải đối mặt với sản xuất cầm chừng, giãn cách kéo dài, sản xuất 3 tại chỗ… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với giá nguyên vật liệu tăng mạnh, đặc biệt là giá nhiên liệu tăng đột biến ảnh hưởng đến công tác vận tải về nguồn cung nguyên phụ liệu là cho các doanh nghiệp kiệt sức. Kiến nghị ngành ngân hàng xem xét giảm lãi suất cho vay từ 2%-3%/năm cho tất cả các khoản vay đang phát sinh và các khoản vay mới. Xem xét bổ sung vốn lưu động đối với các mục đích bù đắp chi phí trích khấu hao tài sản cố định do nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng nên nới rộng tín dụng trong việc cho vay vốn lưu động để nhập nguyên vật liệu, hàng hóa đầu vào trong tình hình giá cả tăng cao.

Ông Cao Tiến Đoan – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, cũng cho biết hiện nay trên địa bàn Thanh Hóa có hơn 27.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có hơn 15.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Một tỷ lệ lớn doanh nghiệp hiện nay chỉ có thể tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn, doanh nghiệp tiếp cận được khoản vay trung và dài hạn còn rất hạn chế. Vì vậy, mong muốn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng hạn mức tín dụng năm 2022 đối với Thanh Hóa từ 18%-20% so với bình quân chung của cả nước là 14% vì Thanh Hóa hiện nay là tỉnh đang được Đảng và Nhà nước quan tâm thực hiện các chính sách đặc thù phát triển theo Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu đáp từ cám ơn tại hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: Để góp phần thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sớm đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới; đồng chí yêu cầu các đơn vị trong ngành Ngân hàng tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ: Tập trung vốn cho các dự án trọng điểm có tác động lan tỏa cho phát triển kinh tế của tỉnh, tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục… đi đôi với việc tuân thủ đúng các quy định, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng và kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Về các ý kiến tham luận và các đề xuất kiến nghị tại hội nghị, đồng chí giao bộ phận tham mưu tổng hợp làm cơ sở chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng phù hợp thực tiễn. Phối hợp các bộ, ngành, đơn vị có liên quan trình Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và ban hành Thông tư hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất sau khi Nghị định được ban hành.

Lễ ký kết giữa các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp tại Thanh Hóa.

Đồng chí giao Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thanh Hóa cùng các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tổng hợp các kiến nghị vượt thẩm quyền báo cáo các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước để tham mưu xử lý kịp thời.  

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn thay mặt tỉnh Thanh Hóa cũng như hệ thống các tổ chức tín dụng và cộng đồng DN tỉnh Thanh Hóa xin tiếp thu đầy đủ, toàn diện các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và sẽ cụ thể hóa các nội dung chỉ đạo của đồng chí thành các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện.

Trong thời gian tới, với mục tiêu nhanh chóng khôi phục, ổn định sản xuất, kinh doanh, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sớm đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới; tỉnh Thanh Hóa rất mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của cá nhân đồng chí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; sự đồng hành, ủng hộ của các hội sở ngân hàng thương mại đối với hệ thống các chi nhánh, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh để ngành ngân hàng tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, phát huy xứng đáng vai trò là huyết mạch của ngành kinh tế và có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

Đồng chí đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa cùng hệ thống các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp thu đầy đủ và triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của đồng chí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; quan tâm nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền đối với các kiến nghị, đề xuất của đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chủ động, tích cực thực hiện tốt các giải pháp, nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 21/3/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa về phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Thanh Hóa; quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và và phát triển kinh tế – xã hội. Tiếp tục nỗ lực, tạo khâu đột phá, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho tăng trưởng; triển khai mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; đồng thời duy trì có hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp và người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng, các chương trình lãi suất ưu đãi theo đúng quy định của pháp luật.

Các đại biểu ghi hình lưu niệm sau hội nghị.

Tỉnh Thanh Hóa cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo các các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị chức năng trong tỉnh hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa và các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh trong các hoạt động tín dụng tại địa phương.

Đồng thời, đề nghị các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh chủ động nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn, phát huy nội lực; xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh phù hợp, có chất lượng để tăng khả năng tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng được cho vay; sớm hồi phục và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

Cũng tại hội nghị đã diễn ra Chương trình ký kết giữa các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp tại Thanh Hóa, theo đó các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp khoản tín dụng 21.055 tỷ đồng cho các doanh nghiệp tại Thanh Hóa.

 

Bài viết liên quan